Những bộ phim về Bảo Đại, Phổ Nghi, Cleopatra không chỉ tái hiện bi kịch cá nhân và lịch sử triều đại mà còn là bức tranh sụp đổ của cả một thể chế đã tồn tại nhiều thế kỷ. Bởi họ đều là vị vua cuối cùng trị vì quốc gia mình.
Vua nước Nam nửa đời lưu lạc Tây phương
Lên sóng gần 2 thập kỷ trước, đến nay Ngọn nến hoàng cung vẫn là phim truyền hình lịch sử Việt Nam có quy mô hàng đầu. Phim quy tụ hàng trăm diễn viên, tiêu tốn gần hai ngàn bộ trang phục với bối cảnh quay trải khắp ba miền cũng như một số địa điểm tại Trung Quốc và Pháp. Sự tỉ mỉ, chỉn chu trong phim cũng được đặt lên hàng đầu. Một cảnh vua Bảo Đại ký tên diễn ra vài giây trên màn hình cũng khiến diễn viên mất hàng tháng trời tập ký tên giống hệt nhà vua.
Xoay quanh cuộc đời vua Bảo Đại, 45 tập phim Ngọn nến hoàng cung tái hiện và lý giải sự sụp đổ tất yếu của triều Nguyễn trước khi lịch sử bước sang trang mới với Cách mạng Tháng Tám 1945. Những sự kiện nối nhau liên tiếp khắc họa dòng chảy mãnh liệt của lịch sử: từ các thay đổi chính trị, thành lập nội các mới, việc thực dân Pháp ra sức cứu vãn tình thế đến việc Bảo Đại thoái vị, từ sự kiện Tuần Lễ Vàng cho đến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Bảo Đại ra Hà Nội làm cố vấn, sự kiện khánh thành trường Võ bị Đà Lạt, sự đấu đá tranh đoạt giữa các phe phái lẫn chính phủ bù nhìn của Quốc trưởng Bảo Đại… Trong guồng quay tất yếu đó, đến một vị vua cũng trở nên nhỏ bé, chao đảo, vô định và đôi khi trông như một sự tồn tại sai lầm.
Huỳnh Anh Tuấn trong vai Bảo Đại.
Phim kết thúc bằng bức thư hoàng hậu Nam Phương gửi cho nhà vua trước lúc bà qua đời. Dòng chữ cuối cùng của bức thư “Nhưng tiếc thay” như một lời tổng kết cho cuộc đời vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Phim khắc họa khá thành công hình ảnh vua Bảo Đại đa tình, thiếu tài, thiếu quyết đoán, vừa là nạn nhân cũng vừa là tội đồ. Nhà vua sống lưu vong hơn nửa đời ở nước ngoài. Vốn được chiều chuộng trong lối sống xa hoa thì về già ông phải sống trong nghèo túng, phải dần bán tài sản và sống bằng tiền trợ cấp ít ỏi.
Phim cũng kể về những mối tình của vua Bảo Đại, điển hình là thứ phi Ngọc Diệp (Giáng My thủ vai).
Trong câu chuyện của Bảo Đại, thay vì cảm thương với chính nhân vật này, người xem có lẽ sẽ càng xót xa cho một thời kỳ biến động đến đau thương của đất nước và những số phận nhỏ nhoi bị cuốn theo bánh xe lịch sử.
Vị hoàng đế phải mua vé để vào nhà của chính mình
Hoàng đế cuối cùng (The last emperor) xoay quanh cuộc đời vua Phổ Nghi, từ khi còn nhỏ cho đến lúc bị giam giữ, rồi được phóng thích bởi chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sau đó sống những năm cuối đời ở đây như một thường dân. Phim giành cả 9 giải trên 9 đề cử tại Oscar 1988, trong đó có Phim xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất dành cho đạo diễn Bernardo Bertolucci.
Phổ Nghi bị đẩy lên ngai vàng khi mới 3 tuổi, vào năm 1908. Một đứa trẻ còn chưa tự chăm sóc bản thân sẽ trông coi một đất nước ra sao? Cuộc sống thời niên thiếu của nhà vua chỉ quanh quẩn trong Tử Cấm Thành, nơi ông là vua nhưng cũng là tù binh. Dường như cả đời ông luôn sống trong sự xếp đặt của người khác, bắt đầu là từ mệnh lệnh lên ngôi của thái hậu Từ Hi, đến sự sắp xếp của các nội quan, các viên đại thần… Không hề được bước chân ra ngoài, Phổ Nghi cũng không biết đến những sóng ngầm đang nổi lên bên ngoài bức tường Tử Cấm Thành. Ông trở thành một nhà vua bù nhìn, thiếu kiến thức về thế giới bên ngoài và dễ tổn thương.
Phổ Nghi lên ngôi lúc 3 tuổi.
Ngày Phổ Nghi nhìn thấy bầu trời bên ngoài Tử Cấm Thành cũng là lúc ông cùng 2 người vợ bị trục xuất khỏi cung. Sau này, ông chấp nhận lời mời của người Nhật về quản lý một vùng lãnh thổ, với mong ước trả mối thù với Tôn Điện Anh, kẻ đã quật mộ hoàng đế Càn Long và thái hậu Từ Hy. Ông không biết mình sẽ thành bù nhìn cho quân Nhật và chịu sự khống chế nhiều năm trời.
Rồi đến lúc quân đội Nhật bại trận, Phổ Nghi lại bị giam giữ như một kẻ phản bội quốc gia. Suốt 10 năm, ông sống trong cảnh tù đày và chỉ được thả ra nhờ lệnh ân xá của Mao Trạch Đông. Ông sống những năm cuối đời trong thiếu thốn, bệnh tật giữa một xã hội Trung Quốc đang quay cuồng biến đổi. Phổ Nghi vừa là tội nhân của triều đại, của quốc gia, vừa là nạn nhân của thời cuộc.
Tôn Long trong vai Phổ Nghi khi trưởng thành.
Hình ảnh gây xúc động nhất với người xem là cảnh Phổ Nghi mua vé vào thăm Tử Cấm Thành. Vị vua cuối cùng của Trung Hoa phải trả tiền để bước chân vào ngôi nhà nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Bi kịch của Phổ Nghi là bi kịch của một thời đại, một dân tộc. Nhưng thời đại sẽ được chuyển giao, dân tộc sẽ hồi sinh và bước tiếp, còn cái tên Phổ Nghi sẽ vĩnh viễn loay hoay giữa dòng chảy vô tình của lịch sử kể cả khi ông đã qua đời.
Tham vọng của nữ hoàng có nhan sắc vượt thời gian
Nhan sắc huyền thoại của Cleopatra, cuộc tình tay ba giữa bà với Julius Caesar và Mark Antony đã khiến nhiều người quên mất bà chính là Pharaoh cuối cùng, vị vua cuối cùng của Ai Cập.
Bi kịch của Cleopatra bắt nguồn từ tham vọng của đế quốc La Mã, từ tham vọng của chính bà và những người đàn ông đã đi qua cuộc đời bà. Tất cả mọi thứ đều bị Cleopatra đặt lên bàn cân những mong đạt tới đỉnh cao quyền lực, để rồi bà bị quyền lực và tham vọng nghiền nát, tước đoạt mọi thứ.
Có hơn 20 bộ phim về vị nữ hoàng này, nhưng nổi bật nhất trong số đó phải kể tới Cleopatra, bộ phim kinh điển năm 1963 do Elizabeth Taylor thủ vai chính.
Elizabeth Taylor tạo nên cơn sốt với Cleopatra, đồng thời trở thành biểu tượng sắc đẹp thế giới.
Phim bắt đầu khi Julius Caesar dẫn quân La Mã sang Ai Cập để truy đuổi kẻ thù, nơi kẻ thù của ông muốn tranh thủ sự ủng hộ của Pharaoh Ptolemy XIII cũng như chị gái Phraoh là Cleopatra. Khi người La Mã nắm quyền, Cleopatra đã thành công thuyết phục được Caesar giúp mình lên ngôi. Hai người có một đứa con trai là Caesarion.
Vấn để nảy sinh khi Cleopatra muốn con trai kế vị Caesar. Bà thực hiện một chuyến đi tới Rome, phô bày sự xa hoa và sức mạnh của mình. Nhưng bà sớm phải giận dữ trở về Ai Cập khi nhận ra Caesar có ý định cho con nuôi là Octavian thừa kế, thay vì đứa con với bà.
Trong khi đó cánh tay phải của Caesar là tướng quân Mark Antony có ý định tấn công một vùng đất phia đông, buộc phải cậy nhờ sự giúp đỡ của Ai Cập. Cleopatra và Mark Antony đã gặp gỡ, để rồi rơi vào một mối tình nồng cháy và sai trái.
Về sau Cleopatra thuyết phục Antony tiếp tục chỉ huy quân đội chống lại Octavian. Tuy nhiên quân lính của Antony lại bỏ rơi ông giữa đêm. Hầu cận của Cleopatra cho rằng ông không xứng với nữ hoàng nên nói dối rằng chủ nhân của mình đã chết. Antony tự sát rồi trút hơi thở cuối cùng trong tay Cleopatra.
Chuyện tình của Cleopatra với Antony đã mê hoặc công chúng thời đó.
Tuy Octavian đưa ra đề nghị để Cleopatra tiếp tục trị vì Ai Cập như một tỉnh của La Mã, nhưng nữ hoàng biết con trai Caesarion của mình đã chết trong tay Octavian. Bà tự sát cùng các hầu cận. Ai Cập huy hoàng một thời không còn chủ nhân đã bị sáp nhập vào La Mã. Cleopatra không chỉ đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mình mà còn cho những triều đại Pharaoh lừng lẫy của một trong những nền văn minh cổ đại lớn nhất phương Đông.